Người sống liệu có giao tiếp được với người chết?
Trong dân gian, hiện tượng vong nhập vẫn được gọi là bệnh phần âm, ma nhập, bị phần âm “hành”, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Từ đó, có thể nhận thấy vong nhập là hiện tượng liên quan đến thế giới tâm linh, cũng có thể coi đó là thế giới vô hình vì người ta không nhìn được qua con mắt thông thường.
Con người bị một đối tượng (vô hình) hay còn gọi là vong, linh hồn chiếm xác và chi phối một phần hoặc kiểm soát toàn bộ các hành vi, ngôn ngữ của người này. Người không bị nhập có toàn bộ hành vi và lý trí như một người bình thường, cá tính quen thuộc như gia đình và bạn bè xưa nay vẫn thấy. Tuy nhiên, khi bị ma nhập sẽ đột ngột có biểu hiện khác lạ, sự khác lạ này phụ thuộc vào “đối tượng” chiếm xác.
Bởi thế nên, nhiều người đang tin rằng, con người chúng ta có thể dễ dàng giao tiếp được với người thân đã mất thông qua các hình thức áp vong, gọi hồn. Hiện nay, những nơi tự nhận có khả năng ngoại cảm, áp vong, gọi hồn xuất hiện khá nhiều. Nhưng thực tế, có đúng vong hồn giao tiếp với chúng ta hay chỉ là sự tưởng tượng, ám thị của chính mình?
Thạc sỹ Vũ Đức Huynh, tác giả của hơn chục cuốn sách về tâm linh và cổ học phương Đông nhận định: Khoa học đã công nhận khi con người chết có một lượng vật chất vừa mất đi. Lượng vật chất vừa mất đi ấy là phần hồn vừa thoát đi. Tuy nhiên, khoa học hiện đại chưa định hình, cân đong, đo đếm được nó. Họ cho rằng nó gồm 3 phần: Vía + thần thức + phách, phân lớp vòng theo trục thẳng đứng. Đây là một tổ hợp các “hạt điện sinh học” nên chúng chuyển động ở dạng sóng điện gọi là sóng các hạt điện sinh học. Vận động theo dạng sóng, nó tuân thủ các tần số bước sóng. Tần số bước sóng của các vong hồn khác nhau, cho nên loại tần số này là vô số và tốc độ vận động khác nhau.
Chuyện những đứa trẻ “bị ma làm”, “bị hồn bắt mất vía” hay người thân đã từ cõi âm về nhập vong vào người sống đã không còn xa lạ. Anh Vũ Văn Trí (Nam Định) chia sẻ câu chuyện của chính mình với chúng tôi. Một năm trước, khi đang ăn cơm cùng gia đình thì anh cảm thấy trong người rất mệt, đau đầu và buồn nôn. Sau khi được dìu vào giường nằm thì anh thấy bắt đầu không kiểm soát được hành động và lời nói của bản thân nữa. Anh quấy khóc và liên tục nhận với mẹ là con trai bé của mẹ. Lúc đó, bà Hiền, mẹ của anh Trí mới chợt nhớ ra đứa con trai đã mất trong lúc sinh trước đây. Đòi bánh kẹo, đồ chơi và trách móc, quấy khóc là những hành động được mọi người trong gia đình kể lại. Về phía anh Trí không nhớ được những gì xảy ra lúc đó. Cả gia đình hoang mang và tất bật chuẩn bị những thứ được “vong” yêu cầu: Máy bay to, tiền vàng nhiều và quần áo đẹp…
Sự việc trên xảy ra như một làn sóng tác động khiến gia đình anh Trí càng tin hơn vào thế giới tâm linh. Từ đó, bà Hiền bắt đầu đi xem bói khắp nơi và răm rắp nghe lời thầy bói. Từ hướng cổng phải xây lại, cho đến không nên làm ăn gì vào năm đó vì làm cũng bị “vong cậu bé” phá. Kể từ lúc ấy, bà Hiền chạy đôn chạy đáo khấn vái, xin lạy khắp các thầy bói mà được mọi người đồn thổi là có tiếng. Muốn kinh doanh buôn bán gì, bà cũng nản không dám làm khiến kinh tế gia đình giảm sút. Nếu muốn làm bất kể việc lớn nhỏ gì, bà đều đến gặp thầy bói.
Câu chuyện trên, khiến chúng ta không thể không suy nghĩ lại về việc tâm lí con người bị đời sống tâm linh lấn át quá nhiều, từ đó rất dễ trở thành hình thái “Mê tín dị đoan” gây hậu quả nghiêm trọng cho gia đình và xã hội. Có rất nhiều người do thiếu thông tin, thiếu hiểu biết nên chỉ cần thấy một sự kiện khác thường nào đó đã vội gán thành “hiện tượng ngoại cảm, tâm linh”. Chính sự hồ đồ đó đã tạo điều kiện để cho những kẻ lừa đảo, mê tín dị đoan có cơ hội “gieo trồng” những hành vi bất chính, lừa bịp các “tín chủ” nhẹ dạ cả tin.